Theo một khảo sát mà VCCI đã thực hiện cho thấy, 3/4 các doanh nghiệp được khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19.

“Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế mà còn thay đổi thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại” – đó là câu chuyện của chuyển đổi số, đòi hỏi những nhận thức mới, hành động mới để khai thác tốt các tiềm năng.

Đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia tham dự hội thảo trực tuyến “Vượt qua đại dịch – chuyển đổi số để phục hồi sản xuất kinh doanh” vừa được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 9/3.

Theo một khảo sát mà VCCI đã thực hiện về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 cho thấy, 3/4 các doanh nghiệp được khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi số – xu hướng toàn cầu

Mặc dù tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có Covid-19 xuất hiện. Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất chế biến ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các doanh nghiệp phi sản xuất. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm khi mà công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistic, marketing, bán hàng,… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.

TS Lương Minh Huân, Viện trưởng – Viện Phát triển Doanh nghiệp, VCCI khẳng định: “Hội thảo là một trong những chuỗi hoạt động của VCCI nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đây là nhóm ngành có yêu cầu đặc biệt về khả năng làm chủ công nghệ và kỹ thuật trong sản xuất, là động lực cho quá trình chuyển đổi số trong SX- KD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dịch chuyển theo chiều sâu. Hy vọng hội thảo sẽ không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn giúp kết nối doanh nghiệp đến với các đối tác, các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số để tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp”.

Tham dự Hội thảo, ông Vincent Tang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Epicor của Mỹ, phụ trách khu vực châu Á về phần mềm doanh nghiệp toàn cầu khuyến nghị, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị/công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà. Đổi mới tổ chức dựa trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là động lực cho quá trình chuyển đổi số.

Tuy vậy, việc phải đổi mới mô hình kinh doanh chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bên cạnh các khó khăn khác liên quan đến nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, lựa chọn giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy.

Ông Vincent Tang cho rằng: “Cần thúc đẩy giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì các doanh nghiệp này gặp các thách thức về IT nhỏ, kinh phí cho IT giới hạn, cần thời gian triển khai ngắn và có thể linh hoạt vận hành bộ máy và chúng tôi có thể thuận tiện trong việc hỗ trợ họ”.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng,  việc tiếp tục sống chung, thích ứng linh hoạt và tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh thông thường để tập trung phục sản xuất kinh doanh là những yêu cầu cấp bách của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp

Quãng thời gian sống chung với Covid-19 chính là thời điểm quan trọng, là cú huých trăm năm, để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Nguồn: Theo vov.vn